Tổ quốc nhìn từ phía Trường Sa
VHO - Đêm cuối năm Người lính chúng tôi vẫn bồng súng đứng gác ở đảo Trường Sa. Thẳng phía Tây kia là dải đất liền thân thương cong cong hình chữ S; cũng có người ví chỗ nhiều bão gió nhất, nhô ra biển xa nhất là nơi đặt lên vai gầy của Mẹ, Mẹ đang gánh hai đầu đất nước nặng trĩu vai. Còn xung quanh chúng tôi là biển, trời, đảo nổi, đảo chìm, thềm lục địa - một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc.
Ảnh: Trần Mạnh Tuấn
Xa, xa lắm! 248 hải lý từ Trường Sa đến Cam Ranh, 305 hải lý từ Trường Sa đến Vũng Tàu. Trong màn đêm bịt bùng cuối năm vắng trăng, chúng tôi không thể nhìn thấy dải đất liền của Mẹ. Và nếu có ước muốn đổi đêm làm ngày ngay tức khắc, cũng không nhìn thấy dải đất liền hùng vĩ. Nhưng, chúng tôi cảm nhận được, chúng tôi lưu giữ được hình ảnh phần đất liền Tổ quốc yêu thương.
Tết này, mẹ lại xoè bàn tay bấm đốt. Đốt nhớ cúng lễ ngày 23 tháng Chạp tiễn ông Táo lên Giời. Đốt thương đứa cả nằm lại ở cánh rừng nào ở chiến trường Campuchia đến nay vẫn chưa về làng ăn Tết.
Đốt thở dài, thương đứa út ở quần đảo Trường Sa điện thoại cho mẹ và vợ con chúc Tết, chứ không được về nhà. Khổ thân, ở ngoài đó nắng nóng, bánh chưng tàu chở ra liệu có để được đến Giao thừa? Đốt dặn con dâu trưởng một đời chờ chồng ngóng con, mua lá rong chọn lá bánh tẻ rộng bản, đồ đậu xanh, vo gạo nếp gói bánh chưng kịp Giao thừa. Đốt ngong ngóng đứa con rể đóng quân tận biên giới Tây Nam chiều cuối năm rồi, nó đã về chưa mà chưa thấy sang chào. Đốt nhắc đứa áp út là Xã đội trưởng trực đêm ba mươi nhớ sáng mùng một Tết về sớm xông nhà; rồi đưa mẹ ra nghĩa trang thắp hương mộ bố, mộ vọng anh cả, đừng quên mang nhiều hương, để đủ thắp cho bạn bố, bạn anh cả mỗi người một nén... Mẹ bấm hết đốt ngón tay này, đến đốt ngón tay kia rồi bấm lại. Chao ơi! Bao nhiêu nhớ nhung, bao nhiêu dặn dò, nhắc nhở là bấy nhiêu lần bấm đốt ngón tay.
Những chuyến tàu HQ chở lương thực, thực phẩm, nước ngọt, chở vật liệu, cây xanh, hạt giống, thư báo... lúc ngày thường trong mùa biển lặng; những chuyến tàu chở gạo nếp, đậu xanh, lá rong, bánh kẹo mứt Tết, báo Xuân... giữa mùa biển động là nhịp cầu nối đảo với đất liền. Trường Sa không xa đâu! Người lính giữ đảo gần đất liền lắm. Mẹ Việt Nam ơi! Đất liền lúc nào cũng nhớ thương chúng tôi vất vả. Đành rằng: Quần đảo Trường Sa bao gồm hơn 100 đảo chìm đảo nổi, bãi ngầm, bãi đá san hô nằm lập lờ hoặc nhô lên mặt nước khi thuỷ triều xuống thấp, bao bọc cả vùng Biển Đông rộng ước chừng gần 200 ngàn km2. Khu vực quần đảo - nơi sinh ra các cơn bão Biển Đông, nên đôi khi còn gọi là Quần đảo bão tố. Đành rằng: Nắng nóng. Hơi nước mặn. Thiếu nước ngọt. Gió bão mạnh... là đặc điểm của quần đảo Trường Sa. Đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa, Trường Sa Đông, An Bang... luôn luôn có các doi cát bị gió thổi làm thay đổi hình dáng và di chuyển theo mùa. Đành rằng: Người lính đảo thường quanh năm vắng khách, tìm một dáng hình con gái, một làn tóc mây thơm mùi hương sả, hương chanh thật là hiếm hoi; chỉ ngong ngóng trông mùa biển lặng tháng Tư văn công đi cùng Đoàn công tác ra thăm đảo. Quả thật! Không có nơi nào như nơi đây: Người lính đảo đọc thư, đọc báo truy lĩnh ba tháng một lần, đôi khi tới 6 tháng mới có hơi đất liền. Hỏi có nơi đâu như ở các đảo này: Không chợ búa, không rạp chiếu phim, nhà hát, vũ trường, không có chuyện dập dìu, đưa đón người yêu lúc cuối chiều, cuối tuần. Đành rằng: Người lính không chỉ giữ biển đảo mà còn đi cứu thuyền dân, giúp tầu nước ngoài bị nạn, san sẻ cho họ từng gói mì tôm, bó rau tươi tự túc từ “vườn treo Ba bi lon” trên nhà dàn và những xô nước ngọt quý hiếm...
Đành rằng: Có những lúc bão dập mưa chan, sóng lừng đánh nghiêng nhà dàn DK. Sóng đánh tung 6 chiến sĩ mình xuống biển. Đêm đen. Đói. Lạnh. Sáu người lính kết lại, dìu nhau, thuỷ chiến với Biển Đông giông bão. Nhưng sức người có hạn, kiệt sức và cô đơn, chốc chốc lại một người chìm vào bão biển đêm đen. Tàu ra khơi ngay trong đêm tìm kiếm, chỉ cứu được hai người. Những người lính hy sinh dũng cảm, bi tráng giữa thời bình. Những năm sau, như một lễ nghi thành kính trang nghiêm đi biển, các tàu HQ đi qua vùng biển này đều dừng lại, neo tàu. Thả hoa. Thắp hương. Thành kính tưởng niệm những đồng đội mãi mãi yên nghỉ trong lòng biển... Nhưng, những vất vả hy sinh thời bình đâu chỉ có người lính chúng tôi giữ biển đảo.
Đêm nay, Trường Sa, đêm cuối năm
Gió vẫn thổi vun cát vào tận chiến hào công sự. Gió vẫn mạnh, sóng vỗ ồn ào nhưng biển ấm. Chúng tôi đứng gác có thể nhận biết được đâu chòm sao Bắc Đẩu, đâu sao Thần Nông và phỏng đoán mùa màng được hay mất. Chúng tôi sum vầy trước màn hình hồi hộp nghe đọc thơ mùa Xuân khi mỗi dịp Tết về, hoặc lòng xốn sang, hoặc lòng bâng khuâng lúc Giao thừa rưng rưng nhớ mẹ. Dĩ nhiên, lúc này chúng tôi sẽ không vất vả như các chiến sĩ biên phòng mặc áo bông đạp đá tai mèo đi dọc đường biên. Lá rừng thẫm sương lạnh. Tay cóng buốt. Rắn độc. Muỗi, vắt..., những thử thách đầu tiên và truyền đời người lính miền biên viễn. Hơn 500 đồn biên phòng dải dọc đường biên sẽ là hơn 500 điểm sáng ấm nóng đón Giao thừa nơi rừng núi, bờ biển, hải đảo. Nhưng sẽ có bao nhiêu chiến sĩ không được đón Giao thừa cùng đồng đội đang đi cắm bản, ngồi bên ché rượu cần tập hát Hơ ri, Hơ mon, tập kể Khan giữa đại ngàn Tây Nguyên? Bao nhiêu chiến sĩ thổi Pílèng, khèn Mông trong chiều ba mươi Tết nơi núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc? Chúng tôi chia sẻ nhọc nhằn với những người lính hành quân đi ngược chiều gió thổi về với rừng sâu rừng già trong tháng cuối năm. Những người lính ấy cũng không ở nhà đón Giao thừa như chúng tôi. Chỉ có khác: Chúng tôi ở phía biển đảo, còn họ ở phía núi rừng, khoác ba lô, gùi đậu xanh, lá rong, gạo nếp, rượu vang, bánh kẹo... về buôn làng, ăn Tết với bà con dân tộc ít người Ba Na, Ja Rai, Ê Đê, Xê đăng, Khmer, hay người Thái, Mường, Tày, H’Mông...
Thế trận lòng dân, phên dậu cũng lòng dân. Đến với dân không chỉ là ân nghĩa những năm cách mạng khó khăn đói cơm lạt muối, người dân hiến tặng cả gùi ngô giống, cả lon gạo cuối cùng mà còn là đạo lý, tình người, giữ dân giữ đất. Người lính Trường Sa chúng tôi tự hào vì những đồng đội đằm mình trong nước mặn giá rét cứu dân, cứu nhà trong cơn bão biển.Những người lính đi ngược dòng nước cứu dân thoát khỏi lũ đâm, lũ ống, lở núi sập nhà. Hoá ra người lính thời bình vẫn chưa được ngủ yên.
Đêm đã vào sâu. Sắp đến thời khắc Giao thừa
Biển quanh chúng tôi vẫn oằm oặp sóng vỗ. Những cây phong ba vừa rùng mình đón gió xuân xao xác. Đất, cát san hô dưới chân đang xôn xao. Một lá bàng vuông khô xác vừa khẽ tách khỏi cành chao xuống đất, để cho chồi non sắp mọc lên chuẩn bị đón xuân sang. Đêm nay - đêm cuối năm, các đảo ở Trường Sa để đèn suốt đêm...
Canh biển trời cho đất nước đón Xuân. Ảnh: Trần Mạnh Tuấn
Nhìn về phía đất liền, người lính chúng tôi hình dung các binh thuyền mỏng manh của cha ông đang lướt sóng: Thủy quân sức rẻo dai. Biển lớn giông ba. Hàng trăm năm trước, cha ông ta đã đến và giữ nơi này. Bao nhiêu con tàu đắm, bao nhiêu người nằm lại biển khơi? Chẳng thể nào biết được! Ốc hoa, ốc tai voi, ốc sà cừ, ốc hương, đồi mồi, hải ba, và đồ đồng, đồ vàng bạc, đại bác, tiểu bác trên các tầu đắm..., chỉ là một phần khai thác, thu lượm của ông cha. Trong các chuyến đi ấy, còn có công việc giữ chủ quyền biển đảo. Ngày xưa, Đỗ Bá viết Thiên Nam tư chí lộ đồ thu (1630 - 1635), Lê Quý Đôn viết Phủ biên tạp lục (1776), Phan Huy Chú viết Lịch triều hiến chương loại chí (1821) mô tả Trường Sa, ghi chép việc nhà nước phong kiến Việt Nam thực hiện chủ quyền quần đảo này. Chắc hẳn các ông không hình dung nổi sau mấy trăm năm, người lính thời đại @ của nền kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu sẽ giữ biển đảo và sống ở Trường Sa ra sao? Không còn các thuỷ binh 20 người một thuyền vượt sóng ra Trường Sa vẽ bản đồ, dựng bia chủ quyền và trồng cây ngày xưa... Chúng tôi đang đi trên đường ông cha đã đi, nhưng không phải bằng súng dài đạn nhồi thuốc phân rơi, thuyền gỗ, đi biển dùng mắt thường nhìn sóng gió, nhìn sao trời, mà là tàu sắt HQ hiện đại vượt đại dương mọi thời tiết và bằng ý chí dựng nước, giữ nước mấy ngàn năm. Chúng tôi giữ đảo có tầu hộ vệ tên lửa ra khơi, tầu ngầm kilo Project 636 lặn trong lòng biển trong thế hợp đồng quân binh chủng. Chúng tôi đang sống và cầm súng ở đảo bằng các vũ khí chiến lược hiện đại đủ sức bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Không thể nói hết được!
Chỉ biết, người lính Trường Sa đến đợt thay quân, lính mới đến, lính cũ về; dù ở hay đi họ vẫn đang sống những ngày tháng rất có ý nghĩa.
Nước ngọt ở các đảo đều có bể chứa, tuy thiếu nhưng đã qua rồi cái thời chắt chiu từng giọt. Đất từ quê mẹ theo các đoàn công tác mang ra từng túi, từng bì... tích tiểu thành đại cho đảo nhỏ giữa khơi xa lúc nào cũng có hơi ấm đất liền. Cây xanh, hạt rau giống theo người lính trả phép về đảo. Ở đảo nào cũng thấy khu đất che chắn gió trồng rau xanh; vườn rau ở nhà dàn là các ô gỗ đựng đất treo lên cao trồng rau rền, rau muống, rau sam, rau ngót... Người lính giữ biển đào thừa trí tưởng tượng và tính lãng mạn gọi các hộp treo, quang gánh treo ngàn ngạt rau và lủng lẳng quả bầu bí, su su ngon lành là “vườn treo Ba bi lon”. Dù khan hiếm, mỗi tuần người lính đã được ăn rau xanh hai lần. Bữa cơm, chất tươi tăng dần và đồ hộp, đồ khô bớt đi... Màu xanh của cây phong ba, bão táp, của bàng, dừa, mù u... đã phủ lên Trường Sa, Trường Sa Đông, Sơn Ca, Nam Yết... Các đảo chìm như Tiên Nữ, Đá Lát, Thuyền Chài, Đá Lớn, Đá Nam... đã làm nhà kiên cố; và các nhà dàn DK cao hơn mặt nước biển 20 m. Chỉ có thể bắt gặp màu xanh ở áo người lính, màu xanh ở các ô gỗ, ô nhựa composte đựng đất trồng rau... Cái màu xanh khát khao, ít ỏi, quý hiếm là một phần không thể thiếu được trong đời sống vật chất và tinh thần của người lính đảo chúng tôi...Các đảo Trường Sa lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây đã xây chùa làng và có dân, có lớp học. Chúng tôi có cảm giác biển đảo không xa đất liền, mà còn thấy như đang ở làng mình, quê mình. Trường Sa không xa đâu, Trường Sa vẫn mãi mãi là máu thịt của Đất Mẹ Việt Nam.
Đứng gác đêm Giao thừa ở Trường Sa
Thời khắc Giao thời hai năm cũ mới đã đến rồi. Xốn xang. Bâng khuâng. Nhớ nhung. Người lính chúng tôi nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ người thân..., mà vẫn không quên nơi đứng gác. Nơi ấy cũng là Tổ quốc, Người lính nhìn từ phía Trường Sa.
Tùy bút của SƯƠNG NGUYỆT MINH